Họp quốc hội nhưng cấm báo chí tham dự, khác nào cấm dân nghe chó sủa! - Dân Làm Báo

Họp quốc hội nhưng cấm báo chí tham dự, khác nào cấm dân nghe chó sủa!

Hải Âu (Danlambao) - Quốc hội là cơ quan quyền lực đại diện cho người dân thông qua tiếng nói từ các đại biểu quốc hội. Tuy nhiên Quốc hội CSVN trên thực tế chỉ là một cơ quan bù nhìn dưới sự thống lĩnh cai trị của đảng độc tài cộng sản. Từ những phiên họp quốc hội đôi khi người dân được nghe thấy những tiếng nói phản biện của một vài cá thể đại biểu ở độ “sắp hoàng hôn”. Mặc dù những phản biện ấy chẳng mấy hy vọng được thể chế độc tài cộng sản lắng nghe và thay đổi. Nhưng bản thân tiếng vọng của một vài đại biểu “sắp hoàng hôn” ấy đã khiến Ủy ban thường vụ Quốc hội cộng sản tỏ ra lo lắng.

Một số trang báo điện tử của nhà sản loan tải thông tin, UB Thường vụ Quốc không cho giới báo chí tham dự các phiên họp của Quốc hội như trước đây. Tổng thư ký Quốc hội bù nhìn cộng sản giải thích: “Để các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ trao đổi, phát biểu hết các vấn đề, phát biểu sâu, không ngại việc có thông tin thuộc bí mật “vô tình” được báo chí đề cập”.

Trên thực tế báo chí nhà sản hầu như chỉ được phép đăng tải những bản tin đã kiểm duyệt nội dung dưới sự kiểm soát của Ban tuyên giáo trung ương cộng sản. Một số bài báo có nội dung nhạy cảm “xé rào” đăng tải thì ngay lập tức phải gỡ bỏ sau khi phát hiện. Vì thế với lời giải thích của Tổng thư ký quốc hội cộng sản được xem như cách loại bỏ luôn một số ít “phần tử” phóng viên nguy hại đến chế độ.

Một tổ chức quốc hội được xây dựng và nuôi dưỡng bằng mồ hôi, xương máu của người dân qua những đồng thuế với mục đích đại diện tiếng nói của nhân dân. Thế nhưng những gì quốc hội bù nhìn ấy bàn thảo, triển khai, hành động thì không cho phép nhân dân được biết. Với quy chế cai trị đặc thù của nhà cầm quyền độc tài đảng trị thì người dân chỉ có một cách duy nhất để nắm tình hình tại các phiên họp Quốc hội đó là thông qua các bài báo, bản tin của giới truyền thông nhà sản. Dù biết rằng những thông tin mà người dân đọc được từ các lều báo đều đã có sự sắp xếp nội dung một cách kỹ lưỡng.

"Nhiều khi để anh em báo chí vào thì các đại biểu cũng ngại, phát biểu không hết. Có vấn đề tối mật không được nói với báo chí mà nói ra thì không hay, lại phải đề nghị báo chí không đăng tải", Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết.

Tại sao lại phải ngại phát biểu, vấn đề tối mật gì ở đây không được nói với báo chí?

Tiếng nói của người dân, nguyện vọng của cử tri cần phải được biết đến rộng rãi không chỉ trong các phòng họp, mà nó cần lan tỏa trên phương tiện truyền thông để dư luận được biết, được hiểu và được thực hiện. Thế thì tại sao Tổng thư ký Quốc hội bù nhìn lại nói rằng các đại biểu ngại, không phát biểu hết. Phải chăng những kẻ mang trên ngực huy hiệu đại biểu không còn đại diện cho tầng lớp nhân dân? Phải chăng những vấn đề tối mật đó là những cuộc thương thảo chia chác quyền lực của giới cầm quyền cấp cao trong đảng cộng sản? Hai câu hỏi này đến bây giờ đã trở thành thừa và dễ bị cho là hỏi khờ khạo, không rõ hay không chịu hiểu vai trò con rối quốc hội của đảng.

Thông thường tại các phiên họp UB thường vụ Quốc hội ngoài sự chủ trì của bà Ngân chủ tịch thì luôn có mặt phần đông các Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ cộng sản tham gia hội thảo. Có lẽ vì thế mà từ nay giới báo chí chỉ được dự 5 phút đầu của buổi làm việc để ghi hình. Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm: “mỗi ngày VPQH sẽ có 2 bản thông cáo báo chí thể hiện đầy đủ nội dung và kết luận về vấn đề được thảo luận tại phiên họp để gửi cơ quan báo chí”.

Như vậy là kể từ nay trở đi, những phát biểu gây sốc của một số ít đại biểu độ “sắp hoàng hôn” sẽ không còn cơ hội “lên sóng” gây bão trên các diễn đàn mạng xã hội. Tiếng nói không đến được tai dân thì tiếng nói sẽ bị tắt lịm. Tất cả thông tin cuộc họp thường vụ Quốc Hội sẽ được sàng lọc trước khi cung cấp cho báo chí. Và dĩ nhiên người dân cũng chỉ đọc được những gì mà đảng và nhà cầm quyền cộng sản cho phép.

Việc không cho báo chí tham dự các buổi họp UB Thường vụ Quốc hội cộng sản có thể xem là một gọng kềm siết chặt thông tin báo chí vốn đã quá lệ thuộc vào chỉ thị của Ban Tuyên giáo trung ương của đảng cộng sản. Bản chất việc này cũng có thể tạo tiền đề cho một số cơ sở địa phương áp dụng nhằm ngăn cản báo chí tiếp cận thông tin với lý do “sợ lộ thông tin mật”.

Nghề làm báo trong “thiên đường” xã hội chủ nghĩa cộng sản từ lâu đã bị xem như chó theo cách nói của Nguyễn Như Phong một cựu tổng biên tập báo nhà sản. Và những kẻ đại diện tiếng nói người dân trong tư cách đại biểu quốc hội đã đem tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân vào bỏ vào cái chuồng chó với cái tên đúng nghĩa của nó - “tòa nhà đảng hội”.

12.07.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo