Bàn về tác phẩm “Lịch sử nước ta” của tác giả Hồ Chí Minh - Dân Làm Báo

Bàn về tác phẩm “Lịch sử nước ta” của tác giả Hồ Chí Minh

Hiếu Dân (Danlambao) - Lịch sử nước ta, một sản phẩm khoa học của ông Nguyễn Tất Thành với bút hiệu Hồ Chí Minh. Ở đây, ông Minh đảm nhận tất cả các khâu, vừa là tác giả, biên tập viên, trình bày viên, họa sĩ minh họa (sáu bức tranh), sửa bản thảo và cũng là thợ in. Đây là lần đầu tiên tên gọi Hồ Chí Minh xuất hiện vào tháng 2 năm 1942. Tác phẩm do cơ quan Việt Minh tuyên truyền bộ xuất bản, dùng để tuyên truyền phục vụ “cách mạng Việt Nam” (1) lúc bấy giờ. Ở phân đoạn cuối tác phẩm đã có viết:

…“Chúng ta có hội Việt Minh
Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh”…

Vấn đề đặt ra: Đây là loại hình sản phẩm gì? Dưới tiêu đề là Lịch sử nước ta thì đây có phải là một sản phẩm khoa học lịch sử hay không?... Nhiều nghi vấn được đặc ra xung quanh tác phẩm này và để giải quyết được thì tất yếu sử dụng nội dung bên trong nó.

Về tác phẩm này trang Wikipedia (2) nhận định đây là thơ lịch sử. Trang toquoc.vn cũng đăng bài viết của Hoàng Thái Sơn: “Lịch sử nước ta” một tác phẩm xuất sắc của Hồ Chí Minh (3), qua đó tiếp tục nhấn mạnh ông Minh “là một nhà cách mạng làm thơ” và Lịch sử nước ta là một bài thơ xuất sắc của ông ta. Nhiều trang viết khác đã có sự động tình như vậy: như thivien.net (4), bienphong.com.vn (5)…

Nội dung tác phẩm xây dựng bằng 208 câu thơ lục bát và một phần lược sử niên biểu lịch sử Việt Nam với tên gọi là Những năm quan trọng (gồm 30 cột mốc từ năm 2879 B.C đến năm 1945 A.D). Vì là để phục vụ chiến tranh cách mạng nên phần lớn được nhắc đến đều là cột mốc quân sự. Đối tượng trực tiếp được ông hướng tới trong bài thơ này là nhân dân lao động vốn hơn 95% là mù chữ. Chính vì vậy chất lượng khoa học của sản phẩm này vốn không cao, các vấn đề sử học trong thơ bị xáo trộn và có khi không đúng sự thật. Tuy vậy, ở mức độ nhìn nhận là một sản phẩm văn học thì có thể chấp nhận được.

Thế nhưng, quá trình nhận thức không dừng lại ở đó khi nhiều nhà “lý luận sử học” xem đây là một sản phẩm sử học và tác phẩm này đã mở ra một loại hình sử học mới: Sử học mác-xít (là một loại hình sử học đứng trên lập trường của giai cấp vô sản).

Nhóm tác giả Phan Ngọc Liên, Trịnh Đình Tùng khi viết về vấn đề sơ lược sự phát triển của khoa học lịch sử trong công trình chung là Nhập môn sử học do Phan Ngọc Liên chủ biên (6) đã bàn về vấn đề Hồ Chí Minh chính là người đặt cơ sở cho việc ra đời cho nền học mácxít – lêninnít tại Việt Nam. Trong đó đã nhắc đến tác phẩm Lịch sử nước ta là một tác phẩm Sử diễn ca như một công trình khởi đầu của nền sử học mác-xít Việt Nam. Trước đó, các tác giả cũng đã nhắc đến các tác phẩm như Bản án chế độ thực dân Pháp (biên niên sử) và Đường cách mệnh (chứa đựng những phần lịch sử). Nhóm tác giả khẳng định ông Minh “không nhằm mục đích biên soạn lịch sử”, có lẽ vậy nên tính chất khoa học trong tác phẩm của ông rất hạn chế. Một điều đáng buồn và đáng trách là hậu thế lại lấy đó làm tác phẩm khai thị cho nền khoa học lịch sử dân tộc. Ông Minh dùng sử học để làm vũ khí tranh đấu và các thế hệ nối tiếp cũng xem đó là điều đúng đắn. Khi sử học là vũ khí thì lịch sử chỉ là công cụ tuyên truyền chứ không phải lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ

Ở mỗi lĩnh vực khoa học đều tồn tại độ co giãn trong khoảng cách giữa tính chất và bản chất. Khi nó mang tính chất phục vụ giai cấp thống trị (lịch sử bị chính trị hóa) thì khoảng cách của nó càng xa đối với bản chất vốn có (lịch sử là sự thật). Nói rõ hơn thì tác phẩm Lịch sử nước ta của ông Minh không phải là một sản phẩm sử học và phải khẳng định được rằng không tồn tại nền sử học mác-xít trong hệ thống khoa học. Đây chỉ là một cách gọi để đánh lừa nhận thức của người nghe, cũng như phần sử học bên trong của tác phẩm đó là để che đậy những thủ đoạn chính trị riêng có của nó.

Bàn bề nội dung có phân đoạn rằng:

… “Thiếu niên ta rất vẻ vang, 
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời. 
Tuổi tuy chưa đến chín mười, 
Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương”... 

Ở đây đang nhắc đến mẩu chuyện Phù Đổng thiên vương, là một loại hình truyền thuyết. Đến nay không ai xác định đó là một nhân vật hay sự kiện lịch sử của dân tộc, vì nó chứa đựng tính chất huyền bí bên trong. Thông qua đó để một lần nữa thẩm định tính chất khoa học của tác phẩm là rất yếu. Mặc khác nó còn chứng minh tính chất nguy hiểm của cuộc chiến tranh khi ông Minh đã kích động quần chúng, lôi kéo cả thiếu niên tham gia. Trên thực tế của cuộc chiến tranh đã đủ điều kiện để đưa ông đến tòa án dư luận hoặc tòa án lương tâm hay nhân tâm. Một cuộc chiến không đáng có đã diễn ra như vậy và đến nay phần lớn dân tộc vẫn không hiểu được là điều gì đã và đang diễn ra.

Không chỉ sai sót về sử liệu mà phần luận giải của ông cũng khập khiễng. Trong thế đối kháng của hai dòng họ Nguyễn – Gia Miêu và Nguyễn – Tây Sơn và câu chuyện ngoại giao cùng phương Tây của Nguyễn Ánh đã đưa ông Minh đi đến nhận định:

“Nay ta mất nước thế này, 
Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà, 
Khác gì cõng rắn cắn gà, 
Rước voi dầy mả, thiệt là ngu si”

Nhận định này thật không hợp lý khi ông đã bỏ qua quy luật của lịch sử và không nhận thấy được tính tất yếu của vấn đề. Và trên thực tế lịch sử đã không diễn ra như lời ông kể, đó là một câu chuyện dài mà sử học dân tộc mới đủ lực giải quyết chứ không phải là thứ được gọi là sử học mác-xít như ông viết. Chẳng phải vấn đề hội nhập quốc tế là việc mà hôm nay chúng ta đang làm và mong muốn làm tốt thì ngày trước Nguyễn Ánh đã nhận thấy để làm, điều không may là vận nước chỉ đến vậy. Và phải nói thêm rằng việc ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản của ông ngày trước có sự cố kết cùng Trung cộng dẫn đến ngày nay nước ta lâm nạn tại Biển Đông là trách nhiệm của ông ấy chăng. Hay việc các hiệp định do ông Tự Đức ký kết cùng Pháp đã dẫn đến việc nước Pháp đứng chân tại Việt Nam là bán nước thì cần phải giải thích như thế nào về việc ông Hồ Chí Minh đã dẫn lối cho người Pháp đứng chân tại Bắc Bộ bằng hai văn bản: Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946). Chỉ có thể nói rằng thời ông Minh có cái khó riêng thì ông Tự Đức cũng có cái khó riêng của ông ấy. Không thể vì thế để nói vua Nguyễn bán nước: 

Năm Tự Đức thập nhất niên, 
Nam Kỳ đã lọt dưới quyền giặc Tây. 
Hăm lăm năm sau trận này, 
Trung Kỳ cũng mất, Bắc Kỳ cũng tan, 
Ngàn năm gấm vóc giang san, 
Bị vua họ Nguyễn đem hàng cho Tây!

Nhìn lại để thấy khoa học lịch sử là thứ khoa học hàng đầu cho mỗi quốc gia, là cái nhân cho vạn sự được khởi thành. Tuy vậy, ngày nay nước ta lại dung loại hình sử học bất định khiến cho mọi lĩnh vực của quốc gia điều suy kiệt. Một đất nước hô hào sức mạnh từ bạo lực và nương nhờ (đánh lừa) nơi bình dân, coi rẽ thành phần tri thức thì chính dân tộc đó đang tự tìm đường diệt vong. Lịch sử đã diễn ra như vậy.



______________________________________

Chú thích:

(1) Ở đây có thể nhận thức là hoạt động tranh đấu của Hồ Chí Minh
(6) Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Nhập môn sử học, NXB Đại Học Sư Phạm


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo